TÀI LIỆU HUẤN LUYỆN PCCC

TÀI LIỆU HUẤN LUYỆN KỸ NĂNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
Tháng Hai 23, 2018

QUYỂN 1:

Tài liệu này được  sao chép từ  TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ BẢO VỆ CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP

( CÁC BÀI CƠ BẢN) Lưu hành nội bộ do Tổng cục An ninh – Bộ công an soạn thảo năm 2004

                           MỤC LỤC: gồm. 6 bài và phụ lục: tài liệu tham khảo

BỘ CÔNG AN

CÔNG TY CP DV BẢO VỆ NHẤT NAM

———-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

———————————

Bài :  Vai trò, trách nhiệm của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

                                  Trong công tác phòng cháy chữa cháy

Đào tạo: Cán bộ làm công tác bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp

  1. Vị trí bài học:

Bài: Vai trò, trách nhiệm của lực lượng bảo vệ trong công tác phòng cháy chữa cháy ở cơ quan, doanh nghiệp là bài học thuộc phần nghiệp vụ bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong chương trình đào tạo vệ sĩ thuộc Công ty CP DV Bảo vệ NHẤT NAM. Bài học nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về công tác PCCC làm cơ sở cho công tác tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng cháy chữa cháy trong cơ quan, doanh nghiệp.

  1. Mục đích yêu cầu:
  2. Mục đích:

– Giúp cho học viên nắm được những kiến thức về công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ quan, doanh nghiệp.

– Góp phần xây dựng, củng cố về ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

  1. Yêu cầu:

– Giúp cho học viên biết cách xây dựng kế hoạch, tham mưu cho thủ trưởng cơ quan về công tác phòng cháy chữa cháy ở cơ quan, doanh nghiệp.

– Biết tổ chức xây dựng, đề xuất các phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy thuộc phạm vi, nhiệm vụ được giao.

III. Nội dung và thới gian:

Thời gian toàn bài: 8 tiết

Trong đó:

Giảng:       tiết

Chỉ đạo thảo luận:      tiết

Giải đáp, kiểm tra:      tiết

  1. Phương pháp dạy học:

– Người dạy: Quá trình giảng dạy, có sử dụng phương pháp thuyết trình, hỏi đáp, kết hợp nêu vấn đề, phân tích và đưa thực tế minh họa.

– Người học: Nghe giảng trên lớp, ghi chép bài, nghiên cứu giáo trình, đọc tài liệu theo hướng dẫn của giáo viên và nêu ý kiến để giáo viên giải đáp.

V/ Trọng tâm phần giảng:

– Phần I: Khái niệm về cháy và các phương pháp phòng cháy, chữa cháy.

– Phần II: Nhiệm vu của LLBV trong công tác PCCC.

– Phần III; Xây dựng phương án PCCC tại chỗ.

  1. Tài liệu học tập, tham khảo:

VII. Cơ sở vật chất, phương tiện, đồ dùng dạy học:

Sử dụng đồ dùng, phương tiện dạy học truyền thống kết hợp sử dụng máy chiếu (nếu có) để minh họa nội dung bài giảng.

VIII/ Câu hỏi nghiên cứu, thảo luận:

  1. Đ/c về làm nhiệm vụ bảo vệ ở một doanh nghiệp dệt may. Để đảm bảo công tác PCCC đ/c phải làm gì?
  2. Đ/c về làm nhiệm vụ ở bến cảng chứa kho xăng dầu. Để đảm bảo tốt công tác PCCC đồng chí phải làm gì?
  3. Cháy là do gì gây ra? Nêu những nguyên nhân từng gây ra cháy?
  4. Để hình thành sự cháy cần phải có những yếu tố gì? Nêu các phương pháp phòngcháy?

         Nội dung và thời gian được phân phối cụ thể như sau:

MỤC NỘI DUNG GIẢNG DẠY
  Bài: Vai trò, trách nhiệm của lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Từ lâu trong dân ta lưu truyền câu “Thủy-Hỏa-Đạo-Tặc” hay “Giặc phá không bằng nhà cháy” là để nói lên tác hại ghê ghớm của nạn cháy. Thực tế thời gian qua ở nước ta một năm xảy ra hàng ngàn vụ cháy, làm chết và bị thương hàng trăm người, tiêu hủy cơ sở vật chất và tài sản trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng. Cháy đã làm cho hàng ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhiều cơ sở sản xuất đình trệ, tác động xấu đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Công tác phòng cháy, chữa cháy đã trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng của xã hội và được Đảng, Nhà nước quan tâm một cách đặc biệt. Tại các cơ quan, doanh nghiệp công tác phòng cháy, chữa cháy đã được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc đầu tư các phương tiện, trang bị phục vụ cho phòng cháy, chữa cháy, các cơ quan, doanh nghiệp còn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn cần thiết của lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp của Bộ Công an. Việc xây dựng phương án phòng cháy, chứa cháy và tổ chức tập huấn cho lực lượng phòng cháy chữa cháy tại cơ quan, doanh nghiệp đã được quan tâm đúng mức, trong đó lực lượng bảo vệ được xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ để hạn chế và làm giảm các vụ cháy, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các cơ quan, doanh nghiệp.

 

I Khái niệm về cháy và các phương pháp phòng cháy,chữa cháy:  
1 Định nghĩa về cháy:

Bản chất của quá trình cháy được các nhà khoa học đề cập nghiên cứu, Lômônôxôp – nhà bác học Nga nổi tiếng là người đầu tiên chứng minh  “Cháy là sự hóa hợp giữa chất cháy với không khí”. Đến năm 1773, nhà bác học Pháp Lavouriee khẳng định ró hơn “Cháy là sự hóa hợp giữa chất cháy với ôxy của không khí”. Như vậy, vào cuối thế kỷ 18 con người đã chứng minh bằng khoa học : Cháy là một phản ứng ôxy hóa.

Trên cơ sở này, qua thực tế bằng nhiều thí nghiệm công phu, đến nay bản chất của sự cháy được định nghĩa chính xác như sau:

è “Cháy là một phàn ứng hóa học, có tỏa nhiệt và phát ra ánh sáng”

Từ định nghĩa trên rút ra: cháy có 3 dấu hiệu đặc trưng là:

+ Có phản ứng hóa học giữa chất cháy với ôxy

+ Có tỏa nhiệt

+ Có phát sáng.

2 Những yếu tố cần thiết cho sự cháy:

Để hình thành sự cháy phải có 3 yếu tố là:

– Chất cháy

– Nguồn nhiệt thích ứng

– Nguồn ôxy.

a Chất cháy: Chất cháy rất đa dạng, có thể quy thành 3 loại sau đây:

– Chất cháy thể rắn như: gỗ, bông, vải, lúa, gạo, nhựa…

– Chất cháy ở thể lỏng: Xăng, dầu, benzen, axêtôn.

– Chất cháy ở thể khí: axêtylen (C2H2), Ôxitcacbon (C0), Mêtan (CH4).

 

b Nguồn nhiệt:

Trong thực tế sản xuất và đời sống, có nhiều loại nguồn nhiệt khác nhau có thể gây cháy như:

– Nguồn nhiệt trực tiếp: ngọn lửa trần (bếp lửa, đèn thắp sáng, bật diêm, đóm…)

– Nguồn nhiệt do ma sát sinh ra: ổ bị thiếu dầu mỡ, ma sát giữa sắt với sắt…

– Nguồn nhiệt do phản ứng hóa học giữa các chất khi tác dụng với nhau

– Nguồn nhiệt do sét đánh

– Nguồn nhiệt do điện sinh ra như: chập mạch, quá tải tiếp xúc kém, hoặc sử dụng các dụng cụ tiêu thụ điện đốt nóng.

c Nguồn ôxy (O2):

Ôxy là thành phần tham gia phản ứng cháy và duy trì sự cháy; Để duy trì sự cháy cần có từ 14%-21% hàm lượng ôxy trong không khí. Nếu hàm lượng ôxy thấp hơn thì đám cháy khó có thể phát triển được.

Trong môi trường chúng ta đang sống, hàm lượng ôxy chiếm 21% thể tích không khí, như vậy, lúc nào thành phần ôxy cũng đủ ôxy cho đám cháy phát triển.

Trong thực tế, cá biệt một số loại chất cháy khi cháy cần rất ít thậm chí không cần cung cấp ôxy từ môi trường bên ngoài, vì bản thân chất cháy đã chứa đựng thành phần ôxy, dưới tác dụng của nhiệt, chất đó sinh ra ôxy để duy trì sự cháy. Thí dụ: Clorat Kaly (KCLO3), Permanaganátkaly (KMnO4), Nitơrat amôn (NH4NO3)…

Việc xác định yếu tố cần thiết cho sự cháy có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, giúp cho việc chọn phương án phòng cháy hoặc chữa cháy thích hợp nhất. Bởi vì muốn ngăn ngừa nạn cháy hoặc dập tắt đám cháy, chỉ cần loại trừ một trong 3 yếu tố trên.

3 Những nguyên nhân thường gây cháy:  
a Cháy do con người gây ra:

– Cháy do sơ xuất: nguyên nhân này chủ yếu là do con người thiếu kiến thức, hiểu biết về phòng cháy chữa cháy dẫn đến những sơ hở, thiếu sót như đun nấu, hút thuốc ở những nơi có đều kiện dễ cháy, sử dụng xăng, dầu, điện không đúng quy định, không đề phòng nạn cháy…

– Vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nguyên nhân này là do con người thiếu ý thức, chữa cháy dẫn đến làm bừa, làm ẩu, không chấp hành quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy như đun nấu, hút thuốc ở những nơi cấm lửa, hàn cắt trên cao, phát động máy không có người trông coi.

– Trẻ em nghịch lửa: nhiều vụ cháy do trẻ em chơi diêm, nghịch lửa, hút thuốc vứt tàn vào những nơi có chất cháy.

– Do đốt: nguyên nhân có 3 loại:

+ Địch đốt phá hoại về kinh tế và gây tác động xấu về an ninh chính trị

+ Bọn tham ô, trộm cắp phi tang

+ Đốt do mâu thuẫn hận thù. Đây là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác điều tra vụ cháy.

b Cháy do thiên tai:

Trường hợp này thường xảy ra ở vùng đồi núi, cây cao, khu vực có nhiều nhà tầng hoặc nơi có nhiều kim loại mà hệ thống thu lôi chống sét không đảm bảo, nên bị sét đánh: gần đây xuất hiện vụ cháy, nổ máy bay do gặp đám mây chứa tia lửa điện (vụ cháy máy bay ta bị nổ ở Thái Lan).

c Tự cháy:

– Tự cháy là trường hợp ở một nhiệt độ nhất định, chất cháy tiếp xúc với không khí và tự cháy hoặc chất cháy gặp một chất khác xảy ra phản ứng hóa học có thể tự bốc cháy mà không cần sự cung cấp nhiệt từ bên ngoài.

– Nguyên nhân tự cháy có các loại sau:

+ Tự cháy khi chất đó gặp nước : Nari (Na), Kali (K), Natrihydrô sunphát (thuốc nhuộn) như vụ cháy kho hóa chất Đức Giang.

+ Tự cháy do quá trình tách nhiệt: thuốc lá, nguyên liệu cám, bột cá nhạt… chất thành đống do quá trình sinh hỏa tách nhiệt: một số loại dầu thảo mộc như dầu gai, dầu bóng…. Do quá trình ôxy hóa, nhiệt độ tăng lên dẫn nhiệt độ bắt cháy thích ứng sẽ tự bốc cháy.

+ Tự cháy do tác động của các hóa chất.

Cán bộ bảo vệ và người phụ trách kho tàng phải có kiến thức này để có phương án phòng cháy.

4 Phương pháp phòng cháy, chữa cháy:  
a Phương pháp phòng cháy:

– Loại trừ chất cháy:

+ Những nơi cần thiết phải có nguồn nhiệt hoặc có thể phát sinh nguồn nhiệt, cần loại trừ những chất cháy không cần thiết, nhất là những chất dễ cháy, thí dụ: không để xăng dầu trong bếp đun nấu, không dùng giấy, vài làm chao đèn hoặc phơi quần áo sát bóng điện.

+ Hạn chế khối lượng chất cháy: cần có quy định cụ thể để hạn chế khối lượng nguyên, nhiên vật liệu nhất là những chất dễ cháy, ở những nơi sản xuất phải sử dụng đến xăng, dầu cần quy định số lượng đủ dùng trong một ca sản xuất.

+ Thay chất dễ cháy bằng những chất không cháy hoặc khó cháy hơn.

Hiện nay nước ta có nhiều nhà bếp, nhà ở, kho, phân xưởng sản xuất là bằng tre nứa lợp lá, giấy dầu. Nếu thay thế các vật liệu đó bằng gạch, bê tông lợp ngói thì những công trình đó ít gây cháy hơn.

+ Bọc kín chất cháy: dùng các chất không cháy bọc kín các cấu kiện được làm bằng vật liệu dễ cháy ở các công trình, thí dụ: dùng sơn chống cháy phủ lên trần cót, gỗ ốp tường các nhà hát… hoặc bảo quản các chất lỏng, khí dễ cháy bằng các bình kín, thí dụ: đựng xăng vào can sắt có nắp đậy kín.

+ Cách ly chất cháy với nguồn nhiệt: là phương pháp dùng các thiết bị để che chắn, ngăn cách chât cháy với nguồn nhiệt. Khoảng cách an toàn ấy nhiều hay ít phụ thuộc vào đặc tính dễ cháy của từng chất và cường độ bức xạ nhiệt của nguồn nhiệt.

– Tác động vào nguồn nhiệt:

+ Triệt tiêu nguồn nhiệt: ở những nơi có chất dễ cháy hoặc nhiều chất dễ cháy phải triệt tiêu những nguồn nhiệt không cần thiết. Thí dụ: không đun nấu, hút thuốc trong các kho, phân xưởng sản xuất; không dùng lửa trần để soi rót xăng khi trời tối.

+ Giám sát nguồn nhiệt: ở những nơi có nhiều chất dễ cháy mà nhất thiết phải sử dụng đến nguồn nhiệt phải có người trông coi kiểm tra thường xuyên, ở các buồng sấy máy sinh nhiệt cần lắp đặt hệ thống theo dõi nhiệt độ để phát hiện sự gia tăng nhiệt nguy hiểm.

+ Cách ly nguồn nhiệt với chất cháy. Thí dụ: không để bếp dầu, bếp điện sat vách dễ cháy.

– Tác động vào nguồn ôxy: Phương pháp này khó thực hiện vì hàm lượng ôxy luôn tồn tại trong không khí. Trong thực tế, để bảo vệ những máy móc, thiết bị đặc biệt quy hiếm, người ta có thể dùng phương pháp kỹ thuật, bơm một lượng khí trơ vào phòng đặt thiết bị đó làm giảm lưọng ôxy, tạo nên môi trường không cháy.

b Phương pháp chữa cháy:

– Phương pháp làm lạnh: Dùng các chất chữa cháy có khả năng thu nhiệt độ cao để hạ nhiệt độ của đám cháy thấp hơn nhiệt độ tự bắt cháy của chất đó. Thí dụ: phun nước vào đám cháy chất rắn không chịu được.

– Phương pháp làm ngạt: Thực chất phương pháp này là tạo nên một màng ngăn, hạn chế ôxy tiếp xúc với chất cháy, triệt tiêu yếu tố của sự cha6ý.

– Phương pháp cách ly: Chính phương pháp làm ngạt còn bao hàm ý nghĩa cách ly, tức là cách ly ôxy với đám cháy (phản ứng cháy). Đồng thời phương pháp này còn có ý nghĩa chống cháy lan tạo ra một sự ngăn cách giữa vùng cháy với môi trường xung quanh chưa bị cháy.

– Làm ngưng trệ phản ứng cháy: Đưa chất chữa cháy vào gốc lửa làm cho phản ứng cháy chậm lại hoặc không thực hiện được. Thí dụ phun bọt chữa cháy hoặc cát vào bề mặt của đám cháy, các chất dạng bột này bám chặt vào gốc lửa vừa có tác dụng giảm nhiệt độ vừa hạn chế lượng ôxy cung cấp cho đám cháy.

5 Các chất chữa cháy và dụng cụ chữa cháy:  
a Nước:

– Nước là chất thường dùng để chữa cháy vì có sẵn trong thiên nhiên, sử dụng đơn giản và chữa được nhiều đàm cháy.

– Dùng nước chữa cháy có hai tác dụng:

+ Nước có khả năng thu nhiệt lớn nên có tác dụng làm lạnh.

+ Nước bốc hơi (một lít nước thành 1720 lít hơi) nên tạo thành màng ngăn ôxy với vật cháy có tác dụng làm ngạt.

– Chú ý:không dùng nước để chứa các đám cháy kỵ nước: không dùng nước để chữa cháy xăng dầu, vì xăng dầu nhẹ hơn nước không hòa tan trong nước nên gây cháy lan. Khi đám cháy có điện trước tiên phải ngắt điện mới chữa cháy bằng nước.

– Để dùng nước chữa cháy cần có bể, phuy để chứa nước. Đối với những cơ sở, kho tàng cần có ao hoặc bể lớn để trữ nước chữa cháy.

– Cần có các dụng cụ để đưa nước lên đám cháy.

+ Đối với các đám cháy lớn phải dùng bơm chữa cháy: Thuận tiện nhất cho mỗi cơ sở là dùng bơm cải tiến để chữa cháy. Bơm cấu tạo đơn giản khi sử dụng cần 8 người khiêng bơm đến đám cháy, một người chỉ huy, một người cầm lăng phun, 4 người bơm, 2 người đổ nước.

Nếu được cung cấp nước đầy đủ, bơm cải tiến có thể đạt lưu lượng nước 150 lít/phút, tầm phun xa đến 15m. Hiện nay bơm cải tiến là dụng cụ chữa cháy ban đầu rất hiệu quả được sử dụng ờ các cơ sở sản xuất, kho tàng và khu vực tập trung dân cư.

b Cát:

– Cũng như nước, cát dùng để chữa cháy rất phổ biến vì sử dụng đơn giản dễ kiếm và có hiệu quả tốt đối với nhiều loại đám cháy. Tác dụng chữa cháy của cát là làm ngạt và có khả năng làm ngừng trệ phản ứng cháy. Đối với chất lỏng cháy, cát còn có tác dụng ngăn cháy lan, dùng cát đắp thành bờ.

– Để dùng cát chữa cháy cần chứa cát thành bể, hố trước các kho, bố trí sẵn sẻng, xô, khi có cháy sử dụng được nhanh chóng.

c Bọt chữa cháy:

– Bọt chữa cháy gồm hai loại dung dịch tạo bọt:

+ Dung dịch Sunphát nhôm A12(SO4)3, ký hiệu A;

+ Dung dịch Natrihydrôcacbonat NaHCO3, ký hiệu B

– Bọt có tác dụng chữa cháy các đám cháy chất lỏng như xăng, dầu vì bọt nhẹ hơn nổi lên bề mặt chất cháy, liên kết tạo thành màng ngăn giữ chất cháy với ôxy.

Hạn chế của bọt là không chữa được các đám cháy kị nước vì trong bọt có nước.

–  Để dùng bọt chữa cháy cần có bình tạo bọt.

Bình bọt thường có dung tích 10 lít, hình trụ, đường kính 0,2 mét, cao 1,5 mét, sơn màu đỏ dùng để đựng dung dịch B. Phía gần cổ bình có 1 vòi phun; đối diện với vòi phun ở cổ bình là quai sách. Bên trong bình có gắn 1 chai nhựa hoặc thủy tinh đựng dung dịch A. Khi bảo quản 2 dung dịch này tách biệt nhau.

– Khi có cháy, xách bình đến đám cháy 2-3 mét, dốc ngược bình, xốc mạnh và hướng vòi phun vào gốc lửa.

– Để bình bọt nơi dễ thấy, dễ lấy, tránh mưa nắng. Định kỳ kiểm tra chất lượng bọt bằng cách mở nắp bình lấy một ít dung dịch tạo bọt (A=1/6 B) trộn lẫn với nhau. Nếu độ nở gấp 8 lần trở lên là bọt còn tốt.

d Khí chữa cháy CO2:

– CO2 là loại khí không cháy, nếu được nén vào bình chịu áp lực hóa lỏng và khi phun ra ở dạng tuyết lạnh tới -790C, dùng để chữa cháy có hai tác dụng: Làm lạnh và làm ngạt. Dùng CO2 chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất là các đám cháy trong buồng kín, trạm điện, động cơ bị cháy.

– Để dùng CO2 chữa cháy, phỉa nén CO2 vào bình thép, bình có van đóng mở, loa phun hình phễu.

– Khi có đám cháy, xách bình đến đám cháy, hướng loa phun vào gốc lửa mở van xả khí. Khi đám cháy tắt thì đóng van lại để sử dụng tiếp.

– Bảo quản bình ở nơi râm mát, dễ thấy, dễ lấy. Định kỳ kiểm tra bình bằng cách cân lên rồi so sánh với trọng lượng ghi ở bình.

II Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ trong công tác phòng cháy chữa cháy:  
1 Nghiên cứu, đề xuất thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp biện pháp phòng cháy, chữa cháy thích hợp:

Để duy trì công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng bảo vệ có trách nhiệm đề xuất với thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp:

– Ban hành nội quy, quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy chung cho cơ quan, doanh nghiệp và cho từng bộ phận phòng, ban, đơn vị cơ sở…

– Phát động và duy trì phong trào phòng cháy, chữa cháy trong cán bộ, công nhân viên cơ quan, doanh nghiệp.

– Xây dựng quy chế thưởng phạt trong việc thực hiện nội dung công tác phòng cháy, chữa cháy.

2 Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công nhân viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy:

– Xây dựng nội quy, biển cấm lửa ở những nơi cần thiết.

– Thông qua hệ thống tuyên truyền của cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên thông báo, nhắc nhở việc phòng cháy, chữa cháy.

– Định kỳ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Nội dung tuyên truyền: tập trung giáo dục và nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn kiến thức phòng cháy, chữa cháy phổ thông và thông báo những nguy cơ có thể gây cháy tại các cơ sở và biện pháp đề phòng.

3 Kiểm tra phát hiện sơ hở thiếu sót, đề xuất biện pháp khắc phục:

– Lực lượng bảo vệ thường xuyên kiềm tra việc chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy. Đối với những bộ phận có nhiều nguy hiểm dễ xảy ra cháy phải được kiểm tra hàng ngày.

– Thông qua tuần tra bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp để kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy đặc biệt lưu ý về ban đêm, ngày nghỉ lễ, tết.

– Đề xuất xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy. Hình thức xử lý theo quy chế đã ban hành và cần thông báo để rút kinh nghiệm chung.

4 Đề xuất tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ:

Mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải tổ chức một đội phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Có đội trưởng và các đội phó để chỉ huy đội. Đội viên nên chọn những người trực tiếp theo ca và phân bổ đều ra các ca làm việc.

Nhiệm vụ của đội phải thể hiện cả hai mặt: tổ chức công tác phòng ngừa và chữa cháy.

– Thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy.

– Phân công đội viên phòng cháy, chữa cháy ở từng bộ phận trong cơ quan, doanh nghiệp.

– Đôn đốc việc thực hiện quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, chuẩn bị sẵn sàng chữa cháy.

– Thực tập để làm quen với phương án chữa cháy tại chỗ.

– Tổ chức cho đội phòng cháy, chữa cháy tham gia các hội thao về phòng cháy, chữa cháy.

5 Đề xuất trang bị phương tiện, nguồn nước chữa cháy và bảo quản tốt các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
6 Tổ chức cứu chữa khi xảy ra cháy: Vận dụng phương án chữa cháy tại chỗ để triển khai lực lượng, phương tiện trực tiếp chữa cháy.
7 Phối hợp với lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp để được giúp đỡ về nghiệp vụ:

Thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của cơ quan công an về phòng cháy, chữa cháy. Phối hợp xây dựng phương án phòng cháy lớn, thực hiện báo động thử để lực lượng chuyên nghiệp tập dượt làm quen với cơ quan, doanh nghiệp từ lối đi lại, nguồn nước và biện pháp chữa cháy trong từng tình huống.

8 Khi xảy ra cháy, lực lượng bảo vệ phải triển khai thực hiện những nội dung công việc sau:

– Tổ chức chữa cháy theo phương án đã định.

– Phân công lực lượng cảnh giới đề phòng kẻ gian và các phần tử xấu lợi dụng chữa cháy để trộm cắp, tẩu tán tài sản.

– Cảnh giác đề phòng kẻ gian gây cháy giả thu hút lực lượng tạo sơ hở chỗ khác để chúng đột nhập gây án với mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn.

– Sau khi chữa cháy tổ chức bảo vệ hiện trường thu thập thông tin ban đầu về đám cháy phối hợp cùng cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân cháy.

III Xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ:  
1 Mục đích yêu cầu:

– Thông qua việc lập phương án chữa cháy tại chỗ để xác định rõ những điểm nguy hiểm dễ xảy ra cháy trong một cơ quan, doanh nghiệp. Qua đó đặt ra những tình huống cháy, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy. Tổ chức tập luyện, báo động thử để khi xảy ra cháy chủ động dập tắt ngay.

– Mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải có một phương án chữa cháy tại chỗ, dự kiến được ba tình huống cháy sát với thực tế và định kỳ thực tập để thuần thục cách xử lý các tình huống cháy.

2 Nội dung phương án chữa cháy tại chỗ:

Mỗi phương án chữa cháy tại chỗ phải có một bản thuyết minh và một sơ đồ cơ quan, doanh nghiệp kèm theo.

a Bản thuyết minh: Cần thể hiện rõ tính chất, đặc điểm của cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.

– Vị trí, đặc điểm kiến trúc của công trình, ngôi nhà trong từng cơ quan, doanh nghiệp: nguyên vật liệu để xây dựng thuộc loại dễ cháy, khó cháy hay không cháy, độ cao và khoảng cách giữa các  công trình.Tính chất hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp (là nơi kho giữ, sản xuất hay công sở). Tình hình sử dụng điện, xăng dầu, đun nấu và việc chấp hành các quy định an toàn.

– Tình hình tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, doanh nghiệp: số lượng phương tiện, dụng cụ, nguồn nước chữa cháy của cơ sở.

– Xác định những điểm nguy hiểm dễ xảy ra cháy: vị trí cụ thể, đặc tính nguy hiểm dễ xảy ra cháy là lan cháy. Dự kiến bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy, biện pháp cứu chữa trong từng tình huống.

c Sơ đồ cơ quan, doanh nghiệp:

(Có kích thước 90cm x 60cm): thể hiện toàn cảnh mặt bằng của cơ quan, doanh nghiệp: vị trí các công trình, lối đi lại, ao hồ, nguồn nước; dùng màu, ký hiệu để phân loại từng công trình và các yêu cầu khác có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy. Xác định vị trí các điểm dễ xảy ra cháy, nguồn nước cần sử dụng, các phương tiện chữa cháy.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy của cơ quan, doanh nghiệp phải nghiên cứu để nắm vững những nội dung quy định trong phương án.